LỜI BÀN "ÁNH SÁNG TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO"

Lời Bàn
Ánh Sáng trên Đường Đạo’

 

 

Trước khi được thấy, mắt phải ráo lệ.
Trước khi được nghe, tai phải thản nhiên.
Trước khi được nói trước các Chân Sư, lưỡi phải hết năng lực làm tổn thương kẻ khác.
Trước khi được đứng trước các Chân Sư, Linh Hồn phải rửa chân trong máu của trái tim. 

Ai đọc sách này cần nhớ rằng sách có vẻ chứa đựng triết lý, mà có rất ít ý nghĩa cho ai tin là sách viết theo Anh ngữ thông thường. Với nhiều người đọc theo cách này thì sẽ thấy như vậy. Đó là khuyến cáo cần biết và bạn chỉ nên đọc ít phần theo cách ấy.
Có một cách khác để đọc, và thực là cách duy nhất với nhiều tác giả, ấy là đọc - không phải tìm ý ẩn giữa những dòng chữ - mà là đọc bên trong các chữ, nói cho đúng là đọc như thể giải một mật mã sâu kín. Tất cả những tác phẩm về tu thân đều viết bằng mật mã mà tôi nói đây, nó đã được các đại triết gia và thi sĩ dùng vào mọi thời đại. Nó được dùng không sai chạy bởi các bậc thầy về sự sống và hiểu biết, họ có vẻ như cho ra sự khôn ngoan sâu xa nhất của họ, nhưng lại dấu trong chính những chữ ấy, điều bí ẩn đích thực.
Họ không làm hơn được thế. Có một luật trong thiên nhiên nói rằng người ta phải tự mình đọc ra các bí ẩn này. Họ không có cách nào khác hơn để có được nó. Ai muốn sống phải tự mình ăn: đây là luật giản dị của thiên nhiên và cũng áp dụng cho đời sống cao hơn. Ai muốn sống và hoạt động trong đời sống ấy, không được đút ăn bằng muỗng như em bé; họ phải tự mình ăn…
Có bốn chân lý đã được chứng tỏ rõ ràng về việc bước vào huyền bí học. Bốn chân lý viết nơi trang đầu của Ánh Sáng trên Đường Đạo nói về các thử thách cho ai muốn trở thành huyền bí gia. Anh không đạt tới then gài cánh cửa dẫn vào sự hiểu biết trừ phi qua được chúng. Hiểu biết là phần gia tài lớn lao nhất của người, vậy tại sao anh không nỗ lực đạt nó bằng bất cứ đường nào có thể được ? Phòng thí nghiệm không phải là nơi duy nhất để thí nghiệm, ta nên nhớ chữ khoa học science có nguồn gốc tương tự như chữ ‘discern’. Vì thế khoa học không chỉ chuyên về vật chất, không, không ngay cả những hình thái tế vi nhất và khó hiểu nhất. Ý như vậy chỉ có do tinh thần lười biếng của thời đại. Khoa học là chữ chỉ tất cả mọi dạng hiểu biết; nghe những điều mà hóa học gia khám phá là chuyện vô cùng thú vị, cũng như thấy họ tìm đường từ sự đậm đặc của vật chất tới những hình thái thanh nhẹ hơn. Nhưng còn có những loại hiểu biết khác hơn thế, và không phải ai cũng giới hạn lòng ao ước (nói riêng về khoa học) có hiểu biết, vào những thí nghiệm có thể được kiểm bằng ngũ quan của xác thân.
Ai không quá ngu ngơ hay khờ khạo vì tật chi đó, đã đoán hay không chừng khám phá với chắc chắn ít nhiều, là còn có những quan năng tinh tế nằm bên trong ngũ quan của thể xác. Chuyện đó không có gì lạ lùng cả, nếu xem xét thiên nhiên ta sẽ thấy mỗi vật thấy được bằng mắt thường, có gì đó quan trọng hơn nó ẩn kín bên trong đó; kính hiển vi dã mở ra một thế giới, nhưng bên trong những bọc mà kính hiển vi làm lộ ra, còn có một bí ẩn mà không máy móc nào có thể thăm dò.
Trọn thế giới được làm linh hoạt và chiếu sáng tới hình dạng vật chất nhất của nó, nhờ một thế giới bên trong nó. Người ta gọi thế giới bên trong này là ‘Astral – cõi tình cảm’, có nghĩa ánh sao, như các vì sao là những thể sáng phát ra ánh sáng. Tính chất này là đặc điểm của sự sống nằm bên trong vật chất, vì ai thấy vật không cần đèn để thấy. Chữ ‘star’ phát sinh từ những chữ ‘steer, stir, move’ và điều không chối cãi được là sự sống bên trong làm chủ cái bên ngoài, y như não bộ của người hướng dẫn cử động của môi ta.
Trọn quyển Ánh Sáng trên Đường Đạo được viết bằng mật mã cõi tình cảm, thế nên chỉ có thể được giải mã do những ai đọc ở cõi này. Và chỉ dạy của nó hướng chính yếu về sự vun trồng và phát triển đời sống tình cảm. Bao lâu mà chưa có bước đầu tiên dẫn tới sự phát triển ấy, thì ta không có hiểu biết mau lẹ, hay trực giác rõ ràng. Và trực giác chắc chắn, chính xác này là loại hiểu biết duy nhất cho phép ta mau lẹ đạt tới điều cao và chân thực, trong vòng giới hạn của nỗ lực có chủ ý của mình. Có được hiểu biết bằng cách thí nghiệm, là phương pháp tẻ ngắt cho ai muốn hoàn thành việc thực; ai có được hiểu biết nhờ trực giác rõ ràng, thì nắm bắt được những dạng khác nhau của nó với sự mau lẹ tột bực, nhờ nỗ lực mạnh mẽ của ý chí; tựa như người thợ nắm lấy dụng cụ của mình, không màng đến sức nặng hay bất cứ khó khăn nào khác có thể cản trở mình. Anh không chờ cho mỗi vật được thử - mà anh dùng những vật gì xem ra thích hợp nhất.
Tất cả luật trong Ánh Sáng trên Đường Đạo được viết cho mọi người chí nguyện, nhưng chỉ cho kẻ chí nguyện nào ‘nắm lấy hiểu biết’. Cho ai khác thì luật không có ích lợi hay áp dụng gì. Với những ai thật tâm chú ý đến Huyền Bí học, tôi nói việc đầu tiên là - hãy nắm lấy hiểu biết. Như kinh thánh đã ghi, ai có sẽ được có thêm. Chờ đợi để có hiểu biết chỉ vô ích… Nên tôi xin nói với những ai khao khát muốn có hiểu biết, là xin hãy làm theo những luật này.
Luật không phải do tôi soạn hay sáng tạo ra. Chúng chỉ là viết thành câu những luật có tính siêu nhiên, đặt thành chữ các chân lý tuyệt đối trong cõi riêng của chúng, tựa như những luật quản trị việc hành xử trên trần và bầu không khí nơi đây. Những quan năng (thính giác, thị giác…) nói trong bốn luật ở trên là về tâm linh, ở cõi trung giới. Ta hãy bắt đầu với luật thứ nhất về thị giác:

I. Trước khi được thấy, mắt phải ráo lệ.
Không ai có thể thấy ánh sáng cõi cao cho tới khi sự đau đớn, sầu não và tuyệt vọng, khiến họ từ bỏ đời sống thường tình của con người. Khởi đầu anh chán chường lạc thú; rồi chán chường khổ não cho đến cuối, mắt anh không còn rơi lệ được nữa.
Đây là sự thật hiển nhiên tuy tôi biết sẽ có nhiều người phản đối. ‘Thấy’ với nhãn quan ở cõi trung giới, là một loại sinh hoạt mà chúng ta khó mà hiểu ngay được. ‘Không còn có thể rơi lệ’ muốn nói người ta đã đối mặt, và thắng được bản tính thông thường của con người, và đã đạt tới sự quân bình mà tình cảm riêng tư không còn lay chuyển anh được nữa.
Điều ấy không muốn nói con tim hóa chai đá hay tánh dửng dưng. Nó không có nghĩa đã hết lòng sầu não khi linh hồn đau khổ dường như bất lực, không chịu đựng lâu hơn được nữa; nó không hàm ý cõi lòng đã chết do tuổi già, khi tình cảm thành cùn nhụt vì những sợi dây khiến lòng rung động nay đã mòn. Các tính chất này không thích hợp cho ai muốn làm người chí nguyện, và nếu anh có tánh nào như vậy thì phải khắc phục nó, trước khi có thể đặt chân trên đường Đạo
Tim chai đá là tính của người ích kỷ, người vị kỷ và cửa Đạo đóng mãi mãi với ai như thế. Lòng dửng dưng là của ai điên rồ và triết gia giả hiệu, những kẻ mà sự thờ ơ khiến họ thành con rối, không đủ mạnh để đối đầu với thực tế của cuộc sống. Khi nỗi đau khổ và sầu não làm mỏi mòn sự chịu đựng, kết quả là lòng thờ ơ tựa như hay thấy nơi tuổi già, gặp ở cả nam lẫn nữ. Tâm tình ấy làm không có việc bước vào cửa Đạo, vì bước đầu tiên có sự khó khăn và người ta cần mạnh mẽ, đầy sức lực tâm linh và thể chất để dấn bước.
Quả đúng con mắt là cửa sổ của linh hồn như Edgar Allan Poe nói, cửa sổ của cung điện nơi linh hồn ngụ. Đây là diễn giải sát nhất cho ý nghĩa của câu văn bằng ngôn từ thông thường. Nếu lòng sầu khổ, mất tinh thần, thất vọng hay vui sướng có thể lay động tâm hồn, đến độ nó mất đi tinh thần trầm tĩnh gợi hứng nó, và lệ tuôn rơi khiến cảm xúc làm hiểu biết trôi mất thì tất cả hóa nhạt nhòa, cửa sổ phủ màn đen, ánh sáng hóa ra vô dụng.
Đây là sự kiện đúng theo nghĩa đen, y hệt như ai đứng bên bờ vực thẳm mà mất tinh thần vì thình lình có xúc động nào đó, chắc chắn họ sẽ té nhào xuống vực. Sự vững vàng của cơ thể, sự thăng bằng, phải được duy trì không những ở nơi nguy hiểm, mà luôn cả ở nơi đất bằng và với tất cả trợ giúp mà thiên nhiên cho ta, qua sức trọng trường.
Chuyện cũng y vậy với linh hồn, nó là cầu nối giữa thể bên ngoài và tinh thần bên trong, cái ánh linh quang ngụ ở nơi tĩnh lặng, chỗ không một rối loạn nào của thiên nhiên có thể lay động không khí; chuyện luôn luôn là vậy. Nhưng linh hồn có thể mất sự trầm tĩnh, hiểu biết của nó về cái ấy, cho dù hai điều này là những phần của một khối chung; và sự trầm tĩnh mất đi do tình cảm, do xúc động.
Có được vui thú hay phải chịu đựng đau khổ, tạo nên rung động mạnh mẽ là sự sống cho tri thức con người. Tính nhậy cảm này không giảm đi khi người chí nguyện bước vào đường Đạo, mà nó tăng thêm. Nó là thử thách đầu tiên cho sức mạnh của anh; anh phải đau khổ, phải khoan khoái hay chịu đựng sâu sắc hơn kẻ khác, trong khi anh nhận bổn phận mà người khác không có, ấy là không để cho sự đau khổ của mình làm anh từ bỏ mục tiêu đã định. Thực tế là ngay ở bước đầu, anh phải làm cho mình vững vàng, kiên quyết và không ai có thể làm việc ấy thay cho anh.
Bốn câu đầu của Ánh Sáng trên Đường Đạo hoàn toàn nói tới sự phát triển mặt tình cảm. Ta phải đạt sự phát triển này tới một mức - ý muốn nói con người phải hết lòng tập nó - trước khi trí não thực sự hiểu được phần còn lại của sách; thực vậy, trước khi sách đọc được như là bài viết thực tiễn mà không phải bàn chuyện siêu hình.
Tình trạng của linh hồn khi nó sống đời cảm dục - khác với sự hiểu biết - là có chao đảo, lắc lư so với sự vững vàng, cố định. Ấy là nghĩa đen gần nhất cho sự việc, nhưng nó chỉ là nghĩa đen cho trí não, mà không phải cho trực giác. Cho phần này của tâm thức con người thì cần một ngữ vựng khác. Ý ‘cố định - fixed’ có lẽ nên đổi thành ‘tự tại - at home’. Với cảm xúc thì không có chỗ thường hằng, vì luật của nó là thay đổi. Sự kiện này là chuyện đầu tiên người chí nguyện phải học. bởi dừng lại than khóc một cảnh đã trôi qua trong kính vạn hoa chỉ là vô ích.

II. Trước khi được nghe, tai phải thản nhiên.
Bốn luật đầu của Ánh Sáng trên Đường Đạo là những luật quan trọng nhất trong sách, chỉ trừ một luật khác. Chúng quan trọng như thế vì có chứa đựng luật thiết yếu, phần tinh túy của con người tâm linh, và chỉ với tâm thức ở cõi tình cảm mà những luật sau đó mới có ý nghĩa trong cuộc sống. Một khi đạt được cách dùng những quan năng của thể tình cảm và việc dùng chúng trở thành tự nhiên, những luật sau đó chỉ là các hướng dẫn về cách dùng. Nó có nghĩa bốn luật đầu là những luật quan trọng, và đáng chú ý cho ai đọc chúng in trên giấy. Khi các luật được ghi tâm khắc cốt và ghi trong đời, những luật khác thành chẳng những là ý tâm linh thú vị, hay lạ lùng, mà là sự kiện thực trong đời, phải được thấu hiểu và kinh nghiệm không nhầm lẫn được.
Một người có thể chọn giữa đức hạnh và tật xấu, nhưng chỉ làm được vậy khi họ là người trưởng thành; em bé hay thú hoang không biết chọn lựa như vậy. Chuyện cũng y thế với người học Đạo, đầu tiên anh phải trở thành là người chí nguyện trước khi có thể thấy những con đường để chọn lựa giữa chúng với nhau. Nỗ lực tạo cho mình thành người chí nguyện là sự tái sinh, tự anh phải làm cho mình mà không có thầy giúp.
Không thầy nào - dù là chánh đạo hay tà đạo -  có ích gì cho anh trước khi anh học rành bốn luật này. Linh hồn phải để qua bên những tình cảm của con người, phải có được sự thăng bằng mà bất hạnh không gây xáo động, trước khi mắt nó có thể mở vào thế giới siêu nhân.
Tiếng nói của các vị Thầy luôn luôn có trong thế giới, nhưng chỉ ai mà tai không còn cảm nhận những âm thanh ảnh hưởng tới đời sống cá nhân, mới nghe được. Tiếng cười không còn làm con tim nhẹ nhàng, sự giận dữ không còn làm nó diên dại, lời dịu dàng không mơn trớn được nó. Vì ở nội tâm, mà đôi tai như là cổng mở ra ngoài, là chỗ tĩnh lặng không xáo trộn, không ai có thể phá rối.
Như con mắt là cửa sổ của linh hồn thì tai là cổng hay cánh cửa cho nó. Hiểu biết về sự rối loạn của thế giới qua cổng đi vào. Những bậc tiến hóa xa, ai đã chiến thắng sự sống, đã qua giai đoạn là người chí nguyện, đứng bình an không bị rối loạn giữa các rung động và chuyển động thiên hình vạn trạng của nhân loại. Họ giữ hiểu biết trong tâm mình cũng như là một sự bình an tuyệt hảo; và như vậy họ không bị các mảnh chi tiết nửa vời và sai lạc, đến tai họ bằng những giọng thay đổi của người chung quanh, kích động hay gây sôi nổi.
Hiểu biết nói ở đây là hiểu biết do trực giác mang lại. Nó không hề do công khó hay thí nghiệm đem tới, bởi các phương pháp này chỉ áp dụng cho vật chất, mà cái sau tự nó là chất liệu hoàn toàn không xác định, liên tục bị thay đổi chi phối. Những luật phổ quát và tuyệt đối nhất của sự sống trong thiên nhiên và thể chất, mà khoa học gia hiểu, sẽ mất đi khi sự sống của vũ trụ này suy tàn, và chỉ còn lại linh hồn nó trong thinh lặng.
Lúc ấy giá trị của hiểu biết về các luật của nó có được nhờ chuyên cần và quan sát, là gì ? Tôi mong không bạn đọc hay nhà phê bình nào nghĩ là khi nói vậy, tôi hàm ý chê bai hay hạ giá kiến thức, hay việc làm của khoa học gia. Ngược lại tôi cho rằng khoa học gia là những người tiền phong của tư tưởng mới. Thời của văn chương và nghệ thuật, khi thi sĩ và điêu khắc gia thấy ánh sáng thiêng liêng và đem nó vào ngôn ngữ tuyệt vời của mình - thời ấy đã bị chôn vùi trong quá khứ xa xăm với nhà điêu khắc Phidian của Hy Lạp. Trong khi đó khoa học đang tiến bộ tới lằn ranh phân chia những việc ta diễn giải được với việc không được. Mỗi khám phá mới dẫn ta tiến thêm một bước, thế nên tôi rất coi trọng kiến thức mà việc tìm tòi và thí nghiệm sinh ra.
Tuy vậy hiểu biết nhờ trực giác là chuyện khác hẳn, ta không có được nó bằng cách nào khác vì đó là một quan năng của linh hồn. Đây là linh hồn thiêng liêng làm linh hoạt tất cả những thể bên ngoài của một người. Quan năng này nằm bên trong linh hồn, là một phần nội tại của nó. Người chí nguyện phải đạt tới tâm thức ấy bằng nỗ lực ý chí bất khuất, mạnh mẽ và nhất quyết. Tôi dùng chữ bất khuất - indomitable vì lý do đặc biệt. Chỉ có ai không bị chế ngự, bị khuất phục, ai biết mình phải làm chủ mọi việc ngoại trừ sự thiêng liêng của mình, mới có thể gợi nên quan năng đó.
‘Niềm tin làm được mọi việc’. Kẻ hoài nghi cười nhạo niềm tin, và hãnh diện là tâm trí họ không có điều ấy. Sự thực thì niềm tin là quyền năng vĩ đại, động cơ to lớn có thể thực hiện mọi việc. Vì nó là giao ước giữa phần thiêng liêng của con người với cái ngã thấp hơn. Việc dùng động cơ này thì rất cần thiết để có được hiểu biết bằng trực giác, vì trừ phi ta tin rằng hiểu biết như thế hiện hữu bên trong mình, ta không có được nó để sử dụng.
Không có nó ta sẽ bất lực hơn cả khúc gỗ bập bềnh trên sóng nước, hay rác trôi nổi mà thủy triều đưa vào. Chúng nằm trên bãi ở đây hay kia, và ai mà để cho số mạng đẩy đưa mình thì cũng trôi dạt y vậy, nhưng sự vẩn vơ thế ấy chỉ thuần ở bề ngoài và là chuyện nhỏ nhặt. Vậy chẳng có gì đáng nói, cái đáng nói là chuyện kế tiếp, các đợt thủy triều không những chỉ đẩy đưa con người trôi dạt đó đây như khúc gỗ trên nước, mà còn đi vào các ngõ ngách của linh hồn, tràn ngập làm nó mù quáng không có trí tuệ thường hằng, khiến cho chuyện tào lao ảnh hưởng nó.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ để làm chuyện dễ hiểu hơn. Giả thử ta có văn sĩ trước tờ giấy, họa sĩ trước bức vẽ, nhạc sĩ lắng nghe ca khúc trong đầu; ta hãy đặt họ ngồi trước cửa sổ rộng nhìn ra đường tấp nập. Trí não họ hướng vào sinh hoạt nội tâm làm thị giác và thính giác không ghi nhận, sự náo nhiệt của thành phố diễn ra nhưng chỉ là chuyện thoảng qua đối với họ. Ngược lại ai mà đầu óc trống không, trọn ngày vẩn vơ không mục đích và cũng ngồi ở cửa sổ đó, họ sẽ ghi nhận ông đi qua bà đi lại trên đường, và nhớ các gương mặt gợi nên cảm tưởng hoặc vui hoặc buồn cho họ.
Chuyện cũng giống y với cái trí và chân lý vĩnh cửu. Nếu nó không còn truyền đi bao chuyện tào lao, kiến thức nửa vời, điều không đáng tin cậy tới linh hồn, thì ở nơi trong tâm mà con người có được sự an tĩnh khi học được luật thứ nhất - sẽ nẩy sinh ánh sáng của hiểu biết thực. Và rồi tai bắt đầu nghe. Thoạt tiên rất khẽ, rất nhẹ; thực thế, mơ hồ và êm là những dấu hiệu đầu tiên của việc bắt đầu của sự sống thực, nên đôi khi chúng bị gạt qua bên như chỉ là mộng mị, tưởng tượng mà thôi.
Nay đến bước kế hay nỗ lực thứ hai, trong sự lặng lẽ chỉ có một thân một mình đó, con người nhận ra rằng đau khổ và lạc thú là một cảm giác mà thôi, chỉ có ai chưa thể nhận ra điều này mới thấy chúng là hai điều khác biệt. Vì khi đạt tới sự cô độc do lặng lẽ sinh ra, linh hồn thèm khát dữ dội và điên cuồng muốn có cảm giác để nó yên lòng, nên đau khổ sẽ được hoan nghênh y như lạc thú.
Lúc đạt tới tâm thức này, người can đảm có thể phá hủy ‘tính mẫn cảm’ lập tức khi giữ và ở lâu được trong ấy. Khi tai không còn phân biệt giữa điều chi là đau khổ với điều chi là lạc thú, thì nó không còn bị ảnh hưởng bởi giọng của người khác, và lúc ấy, ta có thể mở an toàn cánh cửa vào linh hồn.
‘Thị giác’ ở luật đầu là nỗ lực thứ nhất và là cái dễ nhất, vì chuyện làm được phần nào nhờ cố gắng trí não. Trí não có thể chế ngự con tim như thấy rõ trong đời sống hằng ngày, thế nên bước sơ khởi này vẫn còn nằm trong cõi vật chất, còn bước thứ hai không cho có sự trợ giúp như thế hay bất cứ trợ giúp vật chất nào; chữ ‘vật chất’ ở đây chỉ trí não, tình cảm. Khi bắt buộc đôi tai chỉ lắng nghe sự tĩnh lặng vĩnh cửu, anh trở thành một cái gì khác, không còn là người theo nghĩa phàm trần. Chuyện không khó hiểu và phải là vậy nếu ta xem xét một người chí nguyện. Anh làm tròn mọi bổn phận ở đời, mà anh làm chúng theo ý niệm riêng của anh về đúng - sai, mà không phải theo ý niệm của ai khác hay nhóm khác. Đây là chứng cớ thật hiển nhiên của việc đi theo niềm tin có hiểu biết, thay vì niềm tin mù quáng.
Để có được sự tĩnh lặng thanh khiết cần cho người chí nguyện, họ phải để con tim và tình cảm, não bộ và óc thông minh sang bên. Cả hai chỉ là những cơ chế và sẽ tiêu tan khi con người qua đời. Chỉ có phần tinh túy vượt qua đó mới là quyền năng thúc đẩy, và làm con người sinh hoạt, nay làm họ chỗi dậy và hành động … Khi tới kinh nghiệm ở điểm này, huyền bí gia tách rời khỏi mọi ai khác và bước vào một cuộc sống của riêng mình, theo con đường cho thành đạt cá nhân, thay vì chỉ là tuân theo những người tài năng quản trị địa cầu…
Áp lực trên phần thiêng liêng con người cũng tác động lên phàm ngã. Khi linh hồn yên lặng nay thức tỉnh, nó làm cuộc sống bình thường của người thành có mục đích hơn, sống động hơn, thực hơn và có trách nhiệm. Huyền bí gia nào đã rút vào chỗ riêng của mình là đã tìm thấy sức mạnh của anh, và lập tức anh nhận biết bổn phận đòi hỏi gì nơi mình. Anh có được sức mạnh của mình không phải là cho riêng anh, mà vì anh là một phần của tổng thể, và ngay vừa khi anh an toàn không chịu ảnh hưởng của rung động của đời, và có thể đứng vững không xao xuyến, thế giới bên ngoài kêu cầu anh tới và nỗ lực trong đời. Quả tim cũng vậy, khi nó không còn ham muốn thu lấy thì được kêu gọi cho ra rộng rãi.
Có được thị giác và thính giác tình cảm hay nói khác đi, để đạt tới nhận thức và mở cửa của linh hồn, là những việc vĩ đại và có thể phải hy sinh nhiều kiếp liên tục, tuy nhiên khi ý chí đủ mạnh, trọn sự việc là phép lạ có thể làm xong trong tích tắc. Khi đó người chí nguyện không còn bị ràng buộc vào Thời gian nữa.
Hai bước đầu tiên này mang tính tiêu cực, có nghĩa chúng hàm ý rút lui khỏi tình trạng hiện thời của chuyện, thay vì tiến đến tới một chuyện khác. Hai bước sau có tính tích cực, muốn nói sự tiến bước vào một trạng thái sống khác.

III. Trước khi được nói trước Chân Sư.
Lời nói là khả năng liên lạc; khi có được lời nói thì nó đánh dấu giây phút người ta bước vào đời sống tích cực. Khi áp dụng thành công hai luật đầu, người ta đi tới mức là nếu đủ kiên quyết thì anh sẽ có khả năng nói được, nhưng đó là quyền năng hai chiều, có nghĩa nếu muốn sử dụng khả năng mới này, anh phải dùng nó theo đặc tính kép của nó.
Anh có thể dùng khả năng để tiếp xúc với bậc cao hơn, mà cùng lúc ấy do vị thế mới này của mình, anh không gửi tiếng nói lên cao nơi các đấng thiêng liêng ngụ, bao lâu mà anh chưa đi vào những chỗ sâu kín nơi ánh sáng của các ngài không tới được. Nay anh phải tuân theo một luật sắt đá nói rằng, nếu con người đòi hỏi muốn vào đường Đạo, thì lập tức họ trở thành người phục vụ, nhưng việc làm của họ không mang tính trần tục, nếu xét theo phẩm cách của ai làm việc cùng với họ. Bởi các bậc Thầy cũng là người phục vụ, các ngài phụng sự và nhận kết quả sau đó. Một phần của việc phụng sự này là cho anh có sự hiểu biết của các ngài, nay chuyện phục vụ đầu tiên của anh là san sẻ phần nào hiểu biết đó cho ai chưa tới mức của anh.
Đây không phải là quyết định của ai đưa ra, dù cao cả hay thiêng liêng thế mấy. Nó là một luật của cuộc sống mà nay anh bước vào. Cũng vì lẽ này mà xưa kia nhóm huyền môn ở Ai Cập có câu ‘Người công nhân xứng đáng với tiền mướn họ.’ Câu khác ‘Hãy hỏi sẽ được’ nghe dễ quá và giản dị quá tới mức khó tin. Nhưng người chí nguyện không ‘hỏi’ theo nghĩa huyền bí trong kinh điển, trước khi anh đạt được khả năng giúp đỡ kẻ khác..
Tại sao vậy ? Câu ấy nghe có giáo điều quá chăng ? Nói rằng một người cần đứng vững trước khi muốn phóng lên thì có quá đáng không ? Hai chuyện giống như nhau, nếu có sự trợ giúp đưa ra, nếu có việc được làm cho ta thì có đòi hỏi, không phải là đòi trả công cho cá nhân, mà là đòi hỏi có cùng tính chất. Đấng thiêng liêng cho ra, và các ngài đòi hỏi bạn cũng phải cho ra, trước khi có thể gia nhập hàng ngũ của những vị ấy.
Luật này được khám phá ngay khi người chí nguyện muốn lên tiếng. Vì lời nói là món quà chỉ đến cho ai có khả năng và hiểu biết. Khi anh cất lời xin Đấng Cao Cả dẫn dắt, lời của anh bị trả về và vang đến ngõ ngách sâu thẳm của sự vô minh trong con người. Theo một cách nào đó, ý nói rằng có sự hiểu biết và quyền năng tốt lành chỉ dạy con người, được truyền đến ai chịu lắng nghe. Không người chí nguyện nào bước qua được bậc thềm mà không truyền rao ý đó, theo cách này hay kia.
Anh kinh hoảng thấy mình làm như vậy bất toàn, thiếu sót ra sao, và nẩy sinh ước muốn làm cho tốt đẹp. Nên anh mong mỏi giúp người khác có khả năng như mình. Bởi đó là ý nguyện trong sạch, việc xẩy ra là anh không tạo ra ơn huệ, vinh quang, phần thưởng cho riêng mình khi hoàn thành ước nguyện; và do thế anh có được quyền năng làm tròn nó.
Trọn lịch sử cho thấy rất rõ, là công việc đầu tiên giao cho người sơ cơ không sinh ra ơn huệ, vinh quang hay phần thưởng nào. Nhà thần bí mystic luôn luôn bị chê cười, nhà tiên tri thì không ai tin; ai thông minh để lại sách vở cho đời sau, nhưng đa số người thấy sách không có nghĩa gì và mơ hồ. Người chí nguyện nào làm việc này mà thầm hy vọng sẽ có danh tiếng hay thành công, được xem là bậc thầy và tông đồ trong thế giới, sẽ thất bại ngay cả khi chưa làm thử, và tính đạo đức giả được dấu diếm của anh làm độc tâm hồn anh, cùng tâm hồn những ai anh chạm vào. Anh thầm tôn thờ mình, và lòng sùng bái thần tượng này phải cho kết quả của nó.
Người chí nguyện nào có khả năng bước vào đường Đạo, và đủ mạnh để vượt qua mỗi rào cản thì khi ý thiêng liêng đến với tâm hồn, anh hoàn toàn quên mình trong tâm thức mới có được. Nếu việc tiếp xúc với điều cao cả có thể thực sự kích thích anh, người bạn trở thành như là một trong những bậc thiêng liêng, khi anh mong muốn cho ra hơn là nhận lãnh, khi có ước nguyện giúp đỡ hơn là được giúp, khi quyết chí nuôi kẻ đói hơn là nhận ơn phước từ trời cho riêng mình. Bản chất của anh được chuyển hóa, và lòng ích kỷ thúc giục người ta hành động trong đời thường, đột nhiên biến mất nơi anh.

IV. Trước khi được nói trước các Chơn Sư lưỡi phải hết năng lực làm làm tổn thương kẻ khác.
Lý do của việc ấy là vì không giọng nói nào đến được tai các ngài cho tới khi nó thành giọng thiêng liêng, một giọng nói không thốt ra lời kêu cầu nào cho cái ngã; và con người chỉ đạt tới điều này bằng sự từ bỏ phàm nhân của mình, trong tim và trong tâm hồn. Thốt lời kêu gọi có tính chất thấp hơn vậy chỉ vô ích, phí năng lực và sức mạnh.
Để lời nói mất năng lực làm làm tổn thương, một người phải đạt tới mức anh xem mình chỉ như là một trong muôn vàn sinh linh đang sống, một trong hằng hà sa số trôi dạt đây đó trong bể đời. Khi một người có thể xem đời của riêng mình như là một phần của tổng thể như vậy, anh không còn tranh đấu hầu đạt bất cứ gì cho chính mình. Đây là sự từ bỏ những quyền cá nhân. Người thường hay mong muốn rằng tới một lúc nào đó mình hơn được kẻ khác, mà không muốn mình được bằng như tất cả.
Người chí nguyện không mong như thế nên anh không có gì để nói về việc ấy. Anh biết rằng bánh xe đời quay mãi không ngừng, mang theo trên đó người giàu và nghèo, sang cả hay thấp hèn, mỗi ai đều có lúc tới đỉnh cao chót vót khi bánh xe đưa họ tới cực điểm. Vua chúa hưng thịnh rồi suy sụp, vĩ nhân được tung hô rồi sau đó quên lãng; mỗi người tới phiên mình bị bỏ rơi khi vòng quay từ trên đỉnh đi xuống.
Ai hiểu biết ý thức chuyện là vậy, và tuy anh có bổn phận phải tận dụng đời sống của mình, anh không than phiền hay mừng rỡ với chuyện xẩy ra cho mình, cũng như không so sánh thiệt hơn với sự may mắn của người khác. Anh biết mọi người ai cũng như ai, lên voi xuống chó chỉ là để học một bài học; khi hiểu như vậy thì anh từ bỏ những quyền tưởng tượng là của mình, bất kể là quyền chi. Làm thế là bỏ được một vật nhọn châm chích mà thường ai cũng có.
Khi người chí nguyện thấy rằng tư tưởng về quyền của cá nhân chỉ là sản phẩm của độc tính trong người, là tiếng rít của con rắn phàm ngã có nọc độc gây hại cho chính đời anh, và đời người khác quanh anh, chừng đó anh sẵn sàng từ bỏ mọi vũ khí tự vệ hay tấn công, mọi vũ khí của trí não, tâm hồn hay tinh thần. Anh không bao giờ còn nghĩ đến việc chỉ trích hay lên án một ai, không bao giờ còn lên tiếng tự bào chữa hay tự bênh vực. Lúc ấy anh trở thành bất lực, không được che chở như hài nhi mới chào đời. Mà quả thật anh là như vậy, anh được sinh vào cõi cao hơn với người nơi ấy nhìn sự sống thông minh hơn, và nhìn thế giới với nhận thức mới.
Ở trên ta có nói tới việc từ bỏ những quyền của cá nhân, điều ấy còn hàm ý sự từ bỏ luôn lòng tự trọng và đức tính. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng tất cả huyền bí gia biết rõ đó không phải là lý thuyết mà là sự kiện. Ai nghĩ rằng anh thánh thiện hơn người khác, hãnh diện là mình không có tật xấu hay dại khờ, ai tin rằng mình khôn ngoan sáng suốt, hay cao hơn đồng loại về mặt này hay kia, thì không được nhận vào cửa Đạo. Một người phải trở thành như là trẻ thơ trước khi họ có thể bước vào cõi Trời.
Đức tính và óc khôn ngoan sáng suốt là những điều thanh cao; nhưng nếu chúng sinh trong trí lòng kiêu hãnh và ý phân cách với người khác, thì chỉ là con rắn của phàm nhân tái hiện dưới hình thức thanh bai hơn. Vào bất cứ lúc nào anh cũng có thể khoác lấy dạng thấp kém hơn của mình và  tấn công dữ dội, như khi gợi nên hành động của kẻ sát nhân, giết người vì thù hét hay để có lợi, hay chính trị gia hy sinh khối đông cho tư lợi hay quyền lợi của đảng mình.
Thực tế là làm mất đi khả năng làm tổn thương muốn nói không những con rắn bị thương, mà còn bị chết hẳn. Khi nó chỉ bị choáng váng hay làm mê ngủ, con rắn sẽ tỉnh lại và người chí nguyện dùng hiểu biết và khả năng cho tư lợi, và là học trò của phù thủy tà đạo; vì con đường phá hoại thì rất rộng và dễ, bịt mắt cũng tìm ra. Ta thấy ngay đó là đường dẫn tới sự phá hoại, vì một ai bắt đầu sống chỉ cho mình, anh thu hẹp dần chân trời của mình, cho tới cuối việc hướng vào cái ngã trong lòng khiến anh thu hẹp khoảng sinh hoạt của mình.
Tất cả chúng ta đều thấy hiện tượng này xẩy ra trong đời sống thường ngày. Ai ích kỷ là tự cô lập mình, hóa ra càng lúc càng khó chịu và không hay với người khác. Cảnh tượng thật xấu xí và sau rốt, người ta xa lánh ai rất đỗi ích kỷ như tránh con thú săn mồi. Chuyện còn xấu xa biết mấy ở mức cao hơn của đời, khi có thêm sức mạnh của hiểu biết, và qua nhiều kiếp tiếp nối nhau !
Vì thế, xin hãy dừng lại và nghĩ kỹ trước khi dấn bước. Bởi nếu lời yêu cầu của kẻ sơ cơ được đưa ra mà không có sự thanh tẩy hoàn toàn, lời ấy sẽ không thấu nhập vào nơi cô tịch của bậc đạo sư thiêng liêng, mà sẽ gợi nên những lực kinh khiếp tác động vào mặt thấp hèn của nhân tính.

V. Trước khi được đứng trước các Chơn Sư, Linh Hồn phải rửa chân trong máu của trái tim.  
‘Đứng được là có tự tin’, và có tự tin muốn nói người chí nguyện biết chắc là anh đã từ bỏ tình cảm, cái ngã của mình và ngay cả bản tính của mình; anh không biết sợ nữa và không còn biết đau, và trọn tâm thức của anh trụ vào đời sống thiêng liêng biểu tượng qua chữ ’các Chơn Sư’, là nay anh không còn mắt, tai, lời nói hay năng lực ngoại trừ tất cả những điều trên, dành cho sự thiêng liêng mà quan năng cao nhất của anh đã đạt tới.
Khi đó anh thành không còn sợ hãi, không còn đau khổ, lo lắng hoặc mất tinh thần; linh hồn anh đứng không thu nhỏ hay muốn hoãn lại, trong trọn sự chói lòa của ánh sáng thiêng liêng chiếu thấu qua trọn bản thể của anh. Rồi anh đạt tới phần thừa hưởng của anh, và có thể nhận mình liên hệ với các bậc thầy của nhân loại; anh đứng thẳng, ngẩng đầu, hít thở cùng bầu không khí như các ngài.
Nhưng trước khi có thể làm vậy, chân của linh hồn phải được rửa trong máu trái tim. Sự hy sinh hay từ bỏ tim và tình cảm của một người là điều trước tiên trong số các qui luật; nó hàm ý việc ‘đạt tới sự thăng bằng không bị xao động bởi tình cảm riêng tư’. Triết gia khắc kỷ làm được việc ấy và anh đứng qua bên, bình thản nhìn vào nỗi đau khổ của mình cũng như của những ai khác.
Máu ở đây không phải là chất sinh tử cho sự sống của thân xác, mà là nguyên lý sáng tạo thiết yếu của bản chất con người, khiến anh làm kiếp người để kinh nghiệm khổ đau và lạc thú, hân hoan và thảm sầu. Khi để máu chảy thoát khỏi tim, anh đứng trước các Chân Sư như một linh hồn thanh khiết, không còn mong ước tái sinh để cảm xúc và có kinh nghiệm. Tuy anh có thể vẫn còn nhiều kiếp nối nhau trong vật chất trọng trược, nhưng anh không còn ham muốn chúng, tim anh đã mất lòng ao ước thô sơ muốn sống.  Khi khoác lấy xác thân anh làm vậy để theo đuổi một mục đích thiêng liêng, để làm tròn công việc của các Chân Sư, và không vì mục tiêu gì khác.
Anh không đi tìm lạc thú hay đau khổ, không mong cầu thiên đàng và không sợ địa ngục, mà anh bước vào một gia sản vĩ đại, không phải như là sự đền bù cho những gì đã từ bỏ, mà như là một trạng thái chỉ giản dị xóa đi hồi ức về những điều này. Giờ anh sống trong thế giới mà với nó; chân trời của anh mở rộng ra tới trọn vũ trụ.

Comments on Light on the Path
Mabel Collins, Lucifer, Vol. 1, p. 8 - 14.
Bạn có thể tìm sách tiếng Việt trên internet